Mắt là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, mắt giúp chúng ta nhìn rõ mọi vật xung quanh. Ở mắt bình thường ánh sáng sau khi đi qua giác mạc và thủy tinh thể, sẽ hội tụ đúng một điểm trên võng mạc; Mắt bình thường có cấu tạo hài hòa giữa chiều dài trước sau của nhãn cầu và công suất hội tụ của mắt, khi đó ảnh của một vật ở vô cực sẽ hội tụ đúng trên võng mạc, nghĩa là tiêu điểm sau trùng với võng mạc và khi đó ta sẽ nhìn thấy rõ nét hình ảnh. Nếu hình ảnh hội tụ trước võng mạc (cận thị), sau võng mạc (viễn thị), hay nhiều điểm trên võng mạc (loạn thị) thì mắt đã bị tật khúc xạ.
Các tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị, lão thị) là nguyên nhân gây suy giảm thị lực hàng đầu thế giới hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO (năm 2010), có khoảng 153 triệu trên thế giới người mắc tật khúc xạ và 30% trong số đó có nguy cơ mù lòa. Kiến thức tổng quan về các loại tật khúc xạ trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về tật khúc xạ để có phương pháp bảo vệ mắt hợp lý.
I. Cận thị & Viễn Thị
1. Cận thị:
Ở mắt cận thị, do một nguyên nhân nào đó khiến độ hội tụ ngắn hơn với chiều dài của mắt, khiến các tia sáng hội tụ trước võng mạc. Đặc điểm của mắt cận thị là khó thấy vật ở xa, nhưng có thể nhìn rõ vật ở gần.
Cận thị là mắt có công suất khúc xạ quá mạnh so với chiều dài nhãn cầu, vì thế các tia sáng song song vào mắt sẽ hội tụ trước võng mạc. Nói cách khác, mắt cận có tiêu điểm trước võng mạc. Do đó người bị cận thị chỉ có thể nhìn rõ ở cự ly gần còn ở cự ly xa thì nhìn không rõ nếu như mắt không điều tiết.
*Nguyên nhân cận thị:
Nguyên ngân chính của cận thị do nhìn vật quá nhiều ở khoảng cách gần, ngoài ra cũng có những trường hợp cận thị do di truyền. Cận thị do di truyền thường thấy nhất ở trẻ độ tuổi từ 8-12 tuổi. Trong giai đoạn phát triển từ 10-20 tuổi, do mắt phải làm việc, hoạt động nhiều nên độ cận thị sẽ có xu hướng gia tăng. Từ 20 đến 40 tuổi, độ cận thị sẽ ít thay đổi.
Khi học tập, làm việc khoảng cách thích hợp từ mắt đến màn hình vi tính hoặc sách vở là khoảng 35-40 cm. Nếu phải làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng và trong khoảng cách gần liên tục, thủy tinh thể luôn phải căng lên để điều tiết. Nếu mắt không được nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách, thủy tinh thể sẽ không thể xẹp xuống được nữa, gây ra tật cận thị.
Người bị cận thị ngoài việc gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày còn có nguy cơ gặp các biến chứng như vẩn đục dịch kính (hiện tượng thấy vật lơ lửng trước mắt) hoặc bong võng mạc. Vì thế người bị cận thị nên thường xuyên đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe mắt. Thời gian theo dõi theo tần suất tối thiểu 3 tháng/lần.
*Các loại cận thị: Cận thị được chia thành 2 loại.
Cận thị trục: cận thị đơn thuần là sự mất bình quân giữa chiều dài của mắt và lực khúc xạ của nó, nhưng hai chỉ số này vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Đây là loại cận thị thường gặp, bắt đầu ở lứa tuổi đi học và nhỏ hơn 6 diop, không có những tổn thương thực thể ở mắt.
Cận thị bệnh lý: chiều dài của mắt quá giới hạn bình thường. Độ cận thường cao, cận trên 6 diop, có thể lên đến 20-30 diop, có những tổn thương ở mắt, có tính di truyền.
2. Viễn thị:
Mắt viễn thị là mắt có công suất khúc xạ kém so với chiều dài của mắt, vì thế các tia sáng, điểm ảnh vào mắt sẽ hội tụ sau võng mạc. Nghĩa là tiêu điểm sau nằm sau võng mạc. Triệu chứng của mắt viễn thị là nhìn rõ các vật ở xa, khó nhìn các vật ở gần.
*Nguyên nhân viễn thị:
Nguyên nhân phổ biến của viễn thị là trục nhãn cầu ngắn. Ở trẻ em mới sinh thường có một độ viễn thị nhẹ từ 2 – 3 độ. Trong quá trình phát triển, cùng với sự trưởng thành của cơ thể, nhãn cầu cũng dài thêm ra, mắt sẽ trở thành mắt bình thường, nhưng nếu sự phát triển này không trọn vẹn thì trẻ sẽ bị viễn thị.
Do sinh hoạt thường xuyên nhìn vật ở xa khiến thủy tinh thể luôn giãn ra, lâu dần thủy tinh thể sẽ không thể co lại được, gây viễn thị.
Do lão hóa, thủy tinh thể mất đi tính đàn hồi tự nhiên.
*Các loại viễn thị: Viễn thị cũng được chia thành 2 loại.
Viễn thị trục: do trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường.
Viễn thị do khúc xạ: Giác mạc hoặc thủy tinh thể dẹt quá, do đó giảm công suất hội tụ.
II. Loạn thị & Lão Thị
1. Loạn thị:
Loạn thị là một tật liên quan đến khúc xạ. Người bình thường, ánh sáng đi qua giác mạc, sẽ được khúc xạ trong dịch thủy tinh thể và hội tụ lại một điểm trên võng mạc. Người bị loạn thị, ánh sáng không hội tụ thành một mà hội tụ thành nhiều điểm trên võng mạc, khiến hình ảnh bị nhòe, không rõ bất kể gần hay xa. Mắt loạn thị có thể bị cùng cận thị và viễn thị, vì thế việc điều chỉnh kính cho người loạn thị cũng sẽ khó hơn. Có nhiều loại loạn thị tùy thuộc vào phối hợp của loạn thị với cận thị và viễn thị, có loạn cận đơn thuần, loạn cận kép, loạn viễn đơn thuần, loạn viễn kép và loạn thị hỗn hợp. Đối với trẻ em được chẩn đoán loạn thị cần đeo kính thường xuyên để tránh nhược thị.
*Nguyên nhân loạn thị:
Loạn thị là tình trạng giác mạc và thủy tinh thể có hình dạng bất thường, ảnh hưởng đến khả năng hội tụ tia sáng, khiến khả năng tập trung ánh sáng của giác mạc bị giảm đi. Người bị loạn thị cũng có thể bị cận thị hay viễn thị. Khác với cận thị và viễn thị, loạn thị thông thường do bẩm sinh.
Một số nguyên nhân khác của loạn thị là chấn thương mắt, bị mắc một số bệnh hay sau phẫu thuật. Tuy nhiên gần đây, tỉ lệ loạn thị tăng cả về số lượng cũng như số độ do việc nằm nghiêng xem điện thoại hay tivi.
*Các loại loạn thị: Có 2 loại loạn thị.
Loạn thị thị giác.
Loạn thị thấu kính.
Loạn thị tuy xảy ra không phổ biến như cận thị nhưng nó cũng là một dạng tật khúc xạ nguy hiểm, đáng buồn thay hiện nay còn khá nhiều người không hiểu biết về căn bệnh này dẫn đến việc phòng tránh và điều trị sai cách.
2. Lão thị:
Ngoài các tật khúc xạ ở trên, y khoa còn một hiện tượng nữa là lão thị. Lão thị là hiện tượng mắt gần mất khả năng nhìn gần. Đây là hiện tượng mắt bị lão hóa do tuổi tác. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện ở tuổi 30, 40 và sẽ tăng dần cho đến 65 tuổi.
*Nguyên nhân lão thị:
Do tuổi ngày càng cao, thủy tinh thể bị lão hóa, sẽ cứng dần dẫn đến mất khả năng đàn hồi. Thủy tinh thể kém linh hoạt sẽ không thể co lại khi nhìn vật ở gần, dẫn đến tình trạng nhìn gần giảm.
III. Giải pháp cải thiện tật khúc xạ
1. Đeo kính (khuyên dùng):
Phương pháp chữa tật khúc xạ đơn giản nhất là đeo kính thuốc. Bệnh nhân sau khi khám mắt sẽ được xác định loại tật khúc xạ và độ cận, viễn, loạn. Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ lựa chọn kính áp tròng thay cho kính truyền thống. Tuy nhiên nếu đeo áp tròng nhiều và không đúng cách sẽ dẫn đến hiện tượng xước giác mạc rất khó chịu. Đặc điểm kính áp tròng giúp tăng tính thẩm mỹ, tuy nhiên lưu ý khi đeo kính áp tròng, cần kiểm tra định kỳ 3 tháng 1 lần tại các bệnh viện mắt uy tín. Trong trường hợp đeo kính có cảm giác cộm, đỏ, nhức hay ngứa mắt cần ngưng đeo ngay và đi khám mắt.
2. Phẫu thuật:
Phương pháp điều trị tật khúc xạ hiện đại nhất hiện nay là phẫu thuật. Hiện tại, có 3 phương pháp phẫu thuật chính được sử dụng trong điều trị tật khúc xạ là Laser in Situ Keratomileusis (LASIK), Femtosecond Lasik và Relex Smile (Refractive Lenticule Extraction, small Incision Lenticule Extraction).
– Relex Smile là phương pháp phẫu thuật không lật vạt giác mạc, không sử dụng dao vi phẫu cơ học, được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân từ cận nặng (10 đi-ốp) đến nhẹ (0,5 đi-ốp).
– Femtosecond Lasik là phương pháp phẫu thuật khúc xạ kết hợp công nghệ Laser Femto và Laser Excimer, Sử dụng tia Laser Femto thay cho dao cắt giác mạc đã giúp loại bỏ hoàn toàn biến chứng sau phẫu thuật, khiến đây trở thành phương pháp an toàn tuyệt đối, được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn.
– LASIK là phương pháp phẫu thuật ra đời sớm nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, phương pháp này vẫn được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn để chữa trị tật khúc xạ.
3. Tạo lập lối sống khoa học & an toàn cho Mắt:
Một lối sống khoa học không chỉ giúp bảo vệ đôi mắt mà còn tốt cho sức khỏe tổng quát toàn cơ thể:
– Nơi làm việc, học tập cần đầy đủ ánh sáng, nên chọn không gian có ánh sáng tự nhiên, hạn chế ánh sáng nhân tạo.
– Kích thước bàn ghế, khoảng cách mắt đến máy vi tính, điện thoại, tivi phải đúng.
– Không nên để mắt phải tập trung quá lâu, cứ 20 phút làm việc hãy cho mắt nghĩ ngơi trong khoảng 20s.
– Không đọc sách, xem laptop, điện thoại khi đang di chuyển, trên tàu, xe, máy bay,…
– Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt hàng ngày.
– Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng tốt cho mắt.
Lưu ý những ai thường xuyên phải tiếp xúc với máy vi tính nên tuân thủ những quy tắc dưới đây:
• Mắt cách trung tâm màn hình khoảng 50 – 65cm.
• Nơi làm việc phải đủ ánh sáng, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp lên màn hình gây lóa, nhòe chữ.
• Thường xuyên chớp mắt và dùng thêm nước muối sinh lý để giữ ẩm cho mắt.
• Không sử dụng điện thoại, máy tính quá khuya, cho mắt thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Nguồn bài viết: NgocMinh Optic